Bí quyết để tăng giá trị để được tăng lương

Và kết thúc buổi thảo luận, cho dù kết quả như thế nào, cũng đừng quên gửi một email cảm ơn quản lý đã lắng nghe và chia sẻ với bạn. Đây cũng là một cách để chính thức lưu lại những điều mà bạn và quản lý đã thỏa thuận, giúp bạn tránh được hiểu lầm giữa hai bên và theo dõi tiến triển của việc tăng lương sau này.

Lương bổng là một vấn đề tế nhị mà nhiều người cảm thấy e ngại khi đề cập, đặc biệt khi yêu cầu một mức lương cao hơn, vì nhiều lý do như sợ bị từ chối, sợ mất mặt, hoặc sợ tạo ra cảm giác không thoải mái trong mối quan hệ giữa mình và cấp quản lý. Cũng không ít bạn mong sếp sẽ tự nhận ra và đánh giá đúng năng lực của mình.

Theo cách nghĩ trên, bạn đã đặt sự thành công và giá trị của mình vào tay người khác. Bạn đã bỏ qua những gì mình xứng đáng được nhận và chấp nhận cảm giác không hài lòng. Hãy nhận thức rằng việc yêu cầu tăng lương là rất bình thường, và nếu bạn không thành công, bạn không mất gì cả, ngược lại bạn đã bày tỏ được chính kiến của mình.

Nếu bạn tin vào khả năng của bản thân, bạn tin là mình xứng đáng với một mức lương tốt hơn, hãy mạnh dạng trình bày với sếp. Bốn lời khuyên sau sẽ giúp bạn:

1. Bạn đáng giá bao nhiêu?
Lý do tốt nhất để bạn thuyết phục sếp tăng lương chính là chứng minh giá trị của bạn đối với công ty. Để định nghĩa được giá trị của mình, bạn phải tự suy nghĩ về những đóng góp mà bạn đã đem lại cho công ty, ý nghĩa và tầm quan trọng của công việc bạn đang làm đối với công ty ở thời điểm hiện tại, và khả năng đóng góp nhiều hơn của bạn trong tương lai.

Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu mức lương cho vị trí của mình trên thị trường bằng nói chuyện với bạn bè hoặc những người trong ngành, tìm hiểu trên sách báo, các tài liệu về khảo sát lương. Thông thường công ty sẵn sàng trả cho một nhân viên xuất sắc mức lương cao hơn mức trung bình của thị trường thay vì phải tuyển một người mới với mức lương thấp hơn, đặc biệt là đối với những vị trí khó tuyển như vị trí chuyên viên đòi hỏi những kỹ năng không phổ biến. Ngoài ra, bạn cũng có thể ứng tuyển cho những vị trí tương tự ở các công ty khác để tìm hiểu mức lương mình có thể nhận được. Điều này sẽ giúp bạn có được thông tin tham khảo đáng tin cậy và tự tin hơn khi đưa ra một con số cụ thể để thương lượng với sếp.

2. Chứng minh giá trị của bạn
Như đã nói ở trên, bạn cần định nghĩa được giá trị của mình đối với công ty bắng một con số cụ thể. Tuy nhiên, khi trình bày với sếp, hiểu và có một con số cụ thể thôi vẫn chưa đủ. Bạn cần chứng minh với sếp bạn xứng đáng với mức lương đó bằng những thành tích hay kết quả công việc bạn đã đạt được.

Để có được những dẫn chứng thuyết phục, ngay từ bây giờ, hãy tập thói quen lưu lại “nhật ký thành tích” trong công việc của mình mỗi ngày hoặc ít nhất là mỗi tuần. Trong đó lưu lại những việc bạn đã làm rất tốt trong 6 tháng đến một năm vừa qua để giúp công ty thành công. Nên nhớ rằng làm tốt công việc của mình thôi chưa đủ, bạn cần vượt quá sự mong đợi của sếp và thể hiện được sự khác biệt của mình so với một nhân viên bình thường trong vị trí này. Một vài câu hỏi giúp bạn suy nghĩ và chuẩn bị:

a. Bạn đã giải quyết một vấn đề khó hoặc giúp hoàn thành một dự án khó? Và dự án đã đạt kết quả tốt?
b. Bạn làm thêm giờ để đảm bảo kế hoạch hoàn thành đúng thời hạn? Bạn sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc?
c. Bạn đã đóng góp ý tưởng mới và thực hiện nó để cải tiến chất lượng công việc hoặc quy trình làm việc?
d. Bạn đã giúp công ty tiết kiệm thời gian và tiền bạc? Như thế nào?
e. Bạn làm thêm một số công việc khác ngoài công việc của mình để đảm bảo hoạt động của công ty những lúc cần thiết?
f. Bạn giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc của họ, hướng dẫn và đào tạo nhân viên khác?

3. Hãy tích cực trong mọi hoàn cảnh
Trước khi đề nghị tăng lương, bạn cần tìm hiểu những yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến việc tăng lương của bạn như tình hình tài chính của công ty, của phòng ban, phạm vị lương của từng vị trí và chính sách tăng lương của công ty. Hiểu được điều này giúp bạn lên kế hoạch và chọn thời điểm tốt cho việc tăng lương của mình, tránh đưa sếp vào tình huống khó xử như hoặc tăng lương hoặc nghỉ việc. Đồng thời cũng chuẩn bị tư tưởng cho bản thân trong việc yêu cầu tăng lương không được giải quyết ngay.

Mặc dù vậy, thái độ tích cực không có nghĩa là yêu cầu một cách qua loa và sẵn sàng chấp nhận bất cứ kết quả nào. Bạn cần phải tự tin và nghiêm túc. Nên đặt cuộc hẹn trước với sếp, hoặc xin 30 phút nói chuyện riêng khi bạn thấy sếp có thời gian. Nên nói một cách chậm rãi và từ tốn, để trình bày thật rõ ràng mong muốn của mình. Nếu sếp của bạn đang bận hoặc cảm thấy bất ngờ với yêu cầu này và đề nghị bàn lại vào lúc khác, hãy đồng ý để thể hiện sự tôn trọng. Đồng thời xin một cái hẹn mới cụ thể về thời gian, tốt nhất là không quá 2 tuần từ khi bạn đưa ra yêu cầu.

4. Làm gì khi bị từ chối?
Nếu bạn đã chuẩn bị rất kỹ nhưng bị sếp từ chối, đừng quá thất vọng. Mặc dù chưa đạt được mức lương mong muốn, bạn đã làm được bước khó nhất đó là trình bày nguyện vọng của mình. Nếu bị từ chối vì những lý do khách quan, hãy tiếp tục thể hiện tốt trong công việc và yêu cầu lại sau vài tháng. Nếu bị từ chối vì sếp chưa thấy được biểu hiện của bạn xứng đáng với mức lương cao hơn, hãy hỏi thật chi tiết về những điều bạn cần phải làm tốt hơn để đạt được mức lương mà bạn mong muốn trong vài tháng tới.

Nếu phạm vị lương của công việc hiện tại không thể đáp ứng được mức lương mong muốn của bạn, hãy nghĩ đến việc mở rộng phạm vi công việc hoặc luân chuyển qua một vị trí khác trong cùng phòng ban hoặc công ty. Đây là cơ hội giúp bạn tăng để đạt được mức lương cao hơn.

Và kết thúc buổi thảo luận, cho dù kết quả như thế nào, cũng đừng quên gửi một email cảm ơn quản lý đã lắng nghe và chia sẻ với bạn. Đây cũng là một cách để chính thức lưu lại những điều mà bạn và quản lý đã thỏa thuận, giúp bạn tránh được hiểu lầm giữa hai bên và theo dõi tiến triển của việc tăng lương sau này.

Chúc bạn đạt được mức lương mong muốn!

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *